Monday, January 31, 2011

Nghề làm Sư giả

Nghề làm Sư giả!



Có lẽ, trong các “nghề” thì nghề làm sư sãi giả là nghề phải …đầu tư ít nhất. Một bộ quần áo vàng xỉn, cái đầu trọc lốc, cái khay đựng tiền và cái bản mặt bất động tiền ra đường là có thể “hành nghề” được ngay mà “lãi” rất lớn, có ngày kiếm được vài trăm ngon ơ!

Tại TP HCM, những ai là cư dân của khúc Quốc lộ 13 từ cầu Bình Triệu trở ra cây xăng Huệ Thiên giáp xa lộ Xuyên Á hẳn dễ thấy mỗi buổi chiều “sư” ở đâu mà về nhiều thế. Họ đủ mọi lứa tuổi nhưng phổ biến nhất tầm 40-55 tuổi. Ăn mặc theo lối nhà chùa, đi xe buýt về mỗi buổi chiều muộn. Họ ghé vào đâu đó và nhanh như chớp cởi bỏ bộ đồ nâu vàng ra, cho vào bịch, mặc bộ đồ thường vào, ghé mua dăm lon 333 và gói thịt cầy về nhậu chơi. Sáng ra lại ra khỏi nơi cư trú bên sông Sài Gòn độ một km, ghé vào chỗ vắng hóa thân một phút thành Sư ngay rồi tiếp tục đi khất…bia, khất thực.

Công an TP HCM đã vài lần tìm đến vài ổ Sư giả và xử lý nhưng rồi những kẻ lợi dụng lòng tốt của con người vẫn cứ túm tụm hành nghề lén lút.

Ở Hà Nội, nghề này xem ra phức tạp hơn. Tại khu Ngũ Xã ngay bên ngoài chùa thật, quanh chợ Châu Long thường thấy những tốp sư nói năng phóng túng bằng ngôn ngữ thông tục như ngoài đời, cũng găng gố, chửi thề và bước đi rảo hoạt như đi khoán.

Tại đường Lò đúc, một hình ảnh mà chỉ phớt qua là biết “hàng giả” liền đang rảo bước đi “kiểm tra dân phố” rất tích cực. Vị “Sư” này nặng lối hơn tám chục ký, cổ lằn lên những mỡ, bước đi hùng dũng như nhà binh, chỗ nào cũng xồng xộc xục vào xin tiền. Ai cho ít hay không cho, mời ra là hắn lẩm bẩm chửi!.





Tôi tiếp cận, giương máy ảnh chính diện chụp ông Sư - Lực sỹ này. Vị này chột dạ, bối rối một chút rồi bỏ khu Lò Đúc lẩn rất nhanh qua khu Thi Sách hành nghề tiếp





Đến Ngô Thì Nhậm, thấy tôi đón đầu chụp tiếp, “nhà sư” bỏ cái tráp tròn bằng kim loại màu đồng vào đẫy rồi ra ngã tư chợ Hôm, lên một xe ôm biến mất.

Tôi quay lại những địa chỉ “nhà sư” đã vào thì thật ngạc nhiên, những “thí chủ” vừa cho tiền dư biết những tay này là …giả nhưng vẫn cho để tránh rắc rối, xui rủi khi không cho, cánh này có thể chửi rủa hoặc ăn nói văng mạng rất khó nghe.

Hai ngày sau, theo tiếp một nhóm đối tượng đang khất thực tại đường Láng Hạ thì thấy các nhà “sư” này thường lân la đến xin cánh lái xe gốc miền Nam chứ ít xin xỏ của những chiếc xe biển số gốc Bắc.

Chiều tối muộn, những nhà sư này thu đồ nghề lên xe buýt. Tôi bám theo, tìm về tận tổ của họ thì thấy hơi khác ở Sài Gòn, họ ở mạn Vạn Điểm, Tía, Đỗ Xá nhưng không sống tập trung, mỗi người một nơi và hoàn toàn …bí mật với nơi xuất xứ. Ở địa phương, khi hỏi thì người dân cho biết “hình như anh B đi làm cửu vạn trên Hà Nội” và hoàn toàn không biết gì về Phật Pháp cả.

Nhưng, không vì thiếu sự “danh chính” như vậy mà thu nhập hẻo. Vị sư giả mập ú ở Lò Đúc nêu trên, chỉ “quét” sơ nửa cây số đường thôi, ghé thăm chừng hai chục địa chỉ đã “thu hoạch” được trên trăm ngàn dễ như bỡn.

Để dẹp vấn nạn lợi dụng lòng từ tâm này là cố gắng của các cơ quan chức năng, nhưng từ phía cộng đồng, nên hiểu rằng chính sự dễ dãi, đôi khi có pha chút vụ lợi, cầu may khi nghĩ rằng “cho” cái này để “ được” cái kia nên đã âm thầm tiếp sức cho nghề sư sãi giả tạo này, làm vẩn đục hình ảnh tôn nghiêm của Phật pháp.

Để phân biệt căn bản, xin bạn đọc hãy xem hình ảnh này.





Đó là tấm ảnh chụp trên đường Nguyễn Trãi quận 5 TP HCM. Hai vị Sư này đi chân đất. Bước đi thư nhàn, bình tâm nhận sự khổ hạnh từ ánh nắng trời gay gắt. Bước một, bước một đi vài cây số giữa trưa để khất thực. Mỗi khi nhận được tiền bạc, cúi đầu niệm Phật rất cung kính. Đặc biệt, giới khất thực này không chủ động xin của ai bao giờ cả . Đó mới là “Sư thật”
http://www.thongtinberlin.de/

No comments:

Post a Comment